Mang thai ngoài tử cung, chị em cần hết sức cẩn trọng

Thai ngoài tử cung là tình trạng sản khoa vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, thậm chí tính mạng của chị em.

1. Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm bên ngoài:

  • Thai nằm ở ống dẫn trứng (chiếm tới 95%)
  • Thai nằm ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung… (chiếm 5%)
  • Thai ngoài tử cung ở 2 bên (chiếm tỷ lệ 1/200.000 thai kỳ)

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm bên ngoài

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm bên ngoài

  • Đa thai với 1 thai làm tổ trong buồng tử cung bình thường và thai còn lại ở vị trí lạc chỗ (hiếm gặp)

Theo các chuyên gia sản khoa, thai ngoài tử cung không được buồng tử cung bảo vệ, túi thai sẽ dễ vỡ, gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của chị em.

2. Tại sao lại bị thai ngoài tử cung?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thai ngoài tử cung như:

  • Nguyên nhân ở vòi tử cung: Nếu chị em bị viêm dính vòi tử cung, có bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung, phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, vòi tử cung quá dài hoặc vòi tử cung bị xoắn… cũng có thể gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung.
  • Các nguyên nhân khác: nếu khối u ở phần phụ (u buồng trứng), mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, can thiệp vào buồng tử cung (nạo thai), sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản… cũng gây thai ngoài tử cung.

Ngoài ra, có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung như hút thuốc lá, trên 35 tuổi.

3. Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung

Khi mang thai ngoài tử cung, ban đầu chị em có những triệu chứng giống mang thai bình thường như trễ kinh, buồn nôn, căng tức ngực… Tuy nhiên một thời gian sau đó, chị em có thể nhận thấy những biểu hiện bất thường như:

  • Ra máu âm đạo bất thường: máu có thể xuất hiện trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh, ra máu kéo dài, máu đỏ sẫm hoặc loãng hơn bình thường.
  • Đau bụng: chị em thường đau ở vị trí chỗ thai làm tổ ngoài tử cung, đau vùng bụng dưới hoặc đau lan lên trên kèm theo mót rặn.

Khi bị đau bụng dữ dội kèm theo chảy máu âm đạo bất thường, chị em cần đi khám ngay

Khi bị đau bụng dữ dội kèm theo chảy máu âm đạo bất thường, chị em cần đi khám ngay

Khi thai ngoài tử cung đã vỡ, chị em có thể thấy các bất thường kèm theo như:

  • Cơn đau bụng đột ngột, dữ dội, đau vã mồ hôi
  • Người xanh xao, nhợt nhạt…
  • Chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Khi thai ngoài tử cung bị vỡ, các mạch máu tại nơi làm tổ sẽ vỡ theo, gây tình trạng chảy máu ồ ạt tràn vào ổ bụng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, chị em có thể bị tử vong do mất nhiều máu.

4. Cách chẩn đoán và điều trị thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung được chẩn đoán thông qua việc thăm khám vùng chậu, siêu âm và xét nghiệm máu đo nồng độ βhCG.

Thai ngoài tử cung không thể di chuyển hoặc được di chuyển đến tử cung, đó đó có các phương pháp điều trị chủ yếu như:

  • Điều trị nội khoa bằng thuốc: loại thuốc thường được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là Methotrexate. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn các tế bào phát triển, kết thúc thai kỳ, ống dẫn trứng được bảo tồn.

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

  • Điều trị ngoại khoa phẫu thuật: hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật thai ngoài tử cung là mổ mở và mổ nội soi. Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp thai có kích thước lớn (thường là trên 3cm).

Trường hợp thai ngoài tử cung vỡ tại nơi làm như vòi tử cung thì chị em cần phải cắt bỏ vòi tử cung để không làm ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ hoặc khâu bảo tồn vòi tử cung. Điều này sẽ làm giảm khả năng mang thai và tăng tỷ lệ thai ngoài tử cung cho mẹ bầu ở lần mang thai sau.

CÁCH PHÒNG NGỪA THAI NGOÀI TỬ CUNG 

Thai ngoài tử cung có thể phòng tránh được bằng các cách sau:

  • Điều trị sớm và triệt để bệnh ở cơ quan sinh sản: khi chị em phát hiện mắc các bệnh như viêm vòi tử cung, viêm dính vòi tử cung… thì cần điều trị một cách tích cực và triệt để, đặc biệt là viêm nhiễm do Chlamydia. Các bệnh ở cơ quan sinh sản thường được phát hiện qua khám phụ khoa định kỳ. Vì thế chị em cần chú ý tới sức khỏe và đi kiểm tra 1 năm/ lần.
  • Từng bị sảy thai hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp vào tử cung (nạo phá thai): chị em cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định mang thai và theo dõi thai kỳ đều đặn.
  • Áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, hợp lý, không hút thuốc lá và uống rượu bia… để có một cơ thể khỏe mạnh, mang thai dễ dàng, ngừa thai ngoài tử cung.

Đối với trường hợp từng điều trị thai ngoài tử cung, chị em nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới tiếp tục mang thai. Lúc này, cơ thể chị em đã ổn định nên sẽ tránh được những biến chứng của việc bị thai ngoài tử cung trước đó, hạn chế nguy cơ bị thai ngoài tử cung ở lần mang thai tiếp theo.

Lưu ý: Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết và chính xác, vui lòng liên hệ với Bắc Hà qua số điện thoại 1900 8083 hoặc 0986 822 333.

 
 
 
Cam kết bảo mật thông tin